Bạn đọc sách, xem video, nghiên cứu solver, ghi chép kỹ càng – nhưng sau vài ngày lại gần như không nhớ nổi mình đã học gì?
Nếu nghe thấy quen, thì bạn đang gặp phải 2 cái bẫy não bộ rất phổ biến khi học bất kỳ kỹ năng nào – đặc biệt là poker.

I. Đường Cong Quên Lãng Quên Lãng – Não Bộ Quên Nhanh Hơn Bạn Tưởng
Bạn vừa đọc một bài phân tích GTO rất hay, hoặc xem một video phân tích line check-raise cực kỳ logic. Lúc đó, bạn gật gù: “Hiểu rồi, nhớ rồi.” Nhưng chỉ vài giờ sau, bạn cầm hand tương tự – và đầu óc… trắng xóa.
Đó không phải do bạn kém trí nhớ. Đó là cơ chế tự nhiên của não bộ.
Theo các nghiên cứu về hành vi nhận thức, trung bình con người sẽ quên khoảng 50% thông tin vừa học chỉ sau 1 giờ. Và nếu không có bất kỳ sự lặp lại hay ôn tập nào, khoảng 70% kiến thức sẽ biến mất hoàn toàn sau 24 giờ.
Hiện tượng này được biểu diễn bằng một đồ thị hình cong đi xuống gọi là “Forgetting Curve” – đường cong quên lãng, do nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus công bố từ thế kỷ 19. Đường cong đó nói đơn giản thế này: mỗi giờ trôi qua, não bạn “rò rỉ” kiến thức nếu không được bơm lại.
Tức là càng học mà không ôn, càng học nhiều thì lại càng… quên nhiều. Việc học giống như đổ nước vào cái xô bị thủng – bạn phải biết cách bịt lỗ thủng bằng việc ôn tập đều đặn, nếu không, dù có học 4–5 tiếng liên tục, thì chỉ sau 1 ngày, đầu bạn vẫn… trống trơn như chưa từng học gì.
Đó là lý do vì sao nhiều poker player “học hoài không lên”: họ học một lần rồi bỏ đó, kỳ vọng não sẽ tự ghi nhớ như máy tính. Nhưng não người không lưu trữ thông tin theo kiểu bấm save, mà nó cần được củng cố – lặp lại – gợi nhắc, thì kiến thức mới thực sự trở thành một phần trong hệ tư duy.
Tóm lại: không ôn lại = học như không học.
Và nếu bạn cảm thấy mình “học hoài mà không thấm” – có thể vấn đề không nằm ở độ khó của kiến thức, mà là bạn đang đi ngược với cách vận hành của chính bộ não mình.

Giải pháp: Spaced Repetition
Để tránh học xong rồi quên, bạn cần lặp lại kiến thức đúng thời điểm. Không phải học đi học lại liên tục – mà là nhắc lại sau 1 ngày, Nếu “đường cong quên lãng” là lỗ thủng khiến kiến thức trôi đi mỗi giờ, thì Spaced Repetition chính là miếng vá hiệu quả nhất. Đây không phải là cách học kiểu nhồi nhét liên tục, mà là chiến lược “đánh dấu thời điểm vàng” để ôn tập, đúng ngay khi não bắt đầu quên – không quá sớm, cũng không quá trễ.
Thay vì học đi học lại một thứ trong một buổi rồi bỏ đó, Spaced Repetition chia việc ôn tập thành nhiều lần, cách nhau theo thời gian hợp lý, để giúp bộ nhớ dài hạn giữ chặt kiến thức.
Ví dụ cực đơn giản để áp dụng:
- Học hôm nay → ngày mai ôn lại 10 phút
- Sau đó 3 ngày → ôn tiếp 5 phút
- Sau đó 1 tuần → chỉ cần lướt lại trong 2 phút
Tổng thời gian bạn bỏ ra cho việc ôn một chủ đề chỉ khoảng 15–20 phút – nhưng hiệu quả lưu giữ kiến thức lại cao hơn học 2 tiếng một lần duy nhất.
Tại sao lại hiệu quả đến vậy? Vì mỗi lần ôn đúng lúc, bạn đang “nhắc” não rằng: “Này, thông tin này quan trọng đấy. Lưu vào chỗ sâu hơn đi.”
Và dần dần, kiến thức sẽ được chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn (nơi dễ bị quên) sang bộ nhớ dài hạn (nơi bạn có thể lấy ra bất cứ lúc nào cần).
Phương pháp này không chỉ là mẹo học ngoại ngữ hay mẹo thi đại học.
Trong poker – nơi bạn phải nhớ hàng trăm concept như range, line, combo logic, blockers, bet sizing… ở vô số tình huống khác nhau – thì Spaced Repetition là kỹ thuật sống còn.
Bất cứ ai nghiêm túc học poker đều từng cảm thấy: “Mình đã học cái này rồi mà sao lúc chơi vẫn không nhớ ra?”
Câu trả lời không phải do bạn lười, mà là bạn học xong rồi… không nhắc lại đúng lúc.
Spaced Repetition không yêu cầu bạn học nhiều hơn – chỉ yêu cầu bạn ôn đúng thời điểm. Và với đa số người chơi, chỉ thay đổi nhỏ này cũng đủ để biến kiến thức mơ hồ thành phản xạ tư duy.

II. Hiệu Ứng Primacy – Recency: Não Chỉ Nhớ Đầu Và Cuối
Một bẫy tinh vi hơn trong cách não bộ xử lý thông tin là: bạn không quên toàn bộ buổi học – bạn chỉ quên phần giữa.
Hiện tượng này được gọi là Hiệu Ứng Primacy – Recency, tức là:
- Primacy: Bạn nhớ rõ phần mở đầu
- Recency: Bạn nhớ rõ phần kết thúc
- Còn lại… đoạn giữa như chưa từng tồn tại
Và đây là lý do khiến nhiều người học xong thấy “sao mình nhớ được vài ý đầu và cuối, còn những phần quan trọng giữa bài lại bay đâu mất?”
Ví dụ quen thuộc:
Bạn dành 2 tiếng học về c-bet sizing và bluffcatching. Rất tâm huyết, ghi chép đầy đủ. Nhưng 2 ngày sau:
- Bạn nhớ phần mở bài: “À, đoạn đầu nói về c-bet sizing nhỏ trong SRP”
- Bạn cũng nhớ phần chốt: “Kết bài có ví dụ hay về double-paired board, khá ấn tượng”
- Nhưng đoạn giữa – nơi phân biệt giữa merge vs polar, hay nhấn mạnh các combo cần mix raise – bốc hơi không còn gì.
Lý do là vì não không lưu đều mọi thứ.
Khi học liền một mạch 1–2 tiếng không nghỉ, phần đầu là lúc não còn tươi tỉnh → lưu tốt.
Phần cuối, khi sắp kết thúc → não tập trung lại để tổng kết → lưu ổn.
Nhưng phần giữa – khi não đang lơ mơ giữa chừng, thiếu động lực, thiếu sự đánh dấu – thường rơi vào “vùng xám” và bị xóa sổ nhanh nhất.
Hiện tượng này xảy ra không chỉ với bài vở, mà còn với những buổi học review hand, những lần nghe podcast, hay phân tích session.
Bạn nghe cả tiếng nhưng cuối cùng chỉ mang về vài mảnh nhỏ.

Giải pháp: Regular Breaks – Tăng Số “Điểm Nhớ” Trong Một Buổi
Nếu hiệu ứng Primacy – Recency khiến bạn chỉ nhớ phần đầu và phần cuối của buổi học, thì cách đơn giản nhất để “đánh lừa” não bộ là:
Tạo ra nhiều điểm bắt đầu và kết thúc hơn trong cùng một khoảng thời gian.
Thay vì học liền mạch 90 phút và chỉ nhớ được 2 mảnh – đầu và cuối, bạn hãy chia nhỏ thành 3 phiên 25 phút – mỗi phiên có mở đầu, cao trào, và kết thúc riêng.
Điều này biến mỗi buổi học lớn thành nhiều chuỗi mini – mỗi chuỗi lại có cơ hội được ghi nhớ riêng trong bộ não bạn.
Công thức đơn giản nhất: Pomodoro
Pomodoro Technique là một trong những phương pháp được áp dụng nhiều nhất trong giới học thuật, lập trình viên – và nay, cả những poker player nghiêm túc cũng đang bắt đầu dùng:
- Học 25 phút → nghỉ 5 phút
- Trong lúc nghỉ: đứng dậy, hít thở, hoặc viết vài dòng tổng kết
- Lặp lại 2–4 lần
- Sau chuỗi 3–4 Pomodoro: nghỉ dài hơn (15–30 phút)
Về mặt sinh lý, não hoạt động hiệu quả nhất trong các nhịp 20–40 phút, sau đó cần “xả bộ nhớ tạm”. Nếu bạn không nghỉ, chất lượng học giảm nhưng bạn không hề nhận ra – vì bạn nghĩ “vẫn đang học”.
Trong khi thực tế, não đã chuyển sang chế độ tự động – và không còn ghi được gì vào bộ nhớ.
Tại sao cách này hiệu quả với poker?
Với người chơi poker, bạn không chỉ cần nhớ lý thuyết – mà còn phải chuyển chúng thành phản xạ ra quyết định.
Nếu học kiểu marathon – não chỉ nhớ vài đoạn mơ hồ.
Còn nếu bạn chia buổi học thành từng phiên nhỏ, mỗi phiên:
- Học một khái niệm (ví dụ: c-bet vs check trên paired board)
- Kết thúc bằng một ví dụ minh họa, hoặc 2 dòng ghi chú
- Sau đó nghỉ ngắn, rồi bước sang phần mới
→ Sau 1 buổi học, bạn sẽ nhớ rõ từng mảng kiến thức thay vì một khối mơ hồ.
Gợi ý: Nếu bạn học 60–90 phút mỗi ngày, hãy chia thành 2–3 Pomodoro, và sau mỗi phiên, viết lại đúng 1 dòng: “Hôm nay mình học được gì?”
Một dòng thôi cũng đủ kích hoạt trí nhớ lâu dài.
Tóm lại:
Càng chia nhỏ, càng nhớ sâu.
Càng nghỉ đúng lúc, càng học bền.
Và càng hiểu rõ cấu trúc não bộ, bạn sẽ càng dễ dàng biến việc học poker từ “hành xác” thành “thấm tự nhiên”.
III. Ghi Chép Và Ôn Tập Là Hệ Miễn Dịch Chống Quên Kiến Thức
Trước mỗi buổi, hãy lật lại ghi chú học gần nhất.
Vài phút ôn lại không chỉ giúp bạn nhớ – mà còn khiến kiến thức ăn sâu hơn, kết nối tốt hơn với tình huống thực tế bạn sắp chơi.
Bản thân mình thường:
- Học 50 phút
- Ghi lại ý chính ngay sau đó
- Trước buổi chơi hôm sau → đọc lại note này 3–5 phút
Đó là cách để biến thông tin thành tư duy hành động.
Kết Luận: Đừng Tham Lam, Hãy Học Đâu Chắc Đó
Rất nhiều người chơi poker “học hoài không lên” không phải vì họ dốt – mà vì họ để não làm bay mất 70% kiến thức ngay hôm sau.
Hiểu về mô hình quên lãng và hiệu ứng nhớ đầu-cuối sẽ giúp bạn:
- Lên kế hoạch học thông minh hơn
- Tối ưu thời gian mà vẫn giữ được kiến thức
- Biến việc học thành chu trình đều đặn, không hại não
Poker không phải trò nhồi sọ. Muốn đi xa, bạn phải biết cách học chậm mà chắc.
Nhớ ít thôi – nhưng nhớ được cả đời.
👉 Quay lại Homepage
👉 Tìm hiểu thêm mục Chiến thuật
👉 Các Công cụ hữu ích giúp cải thiện winrate
👉 Cách Khai Thác Đối Thủ Hay Range Bet Trong Poker
👉 BB/100 Là Gì Trong Poker?